Để mọi người có cái nhìn rõ hơn về dòng Macbook retina mới, Pr Việt xin phép được trích dẫn bài viết từ Tinhte

MacBook_12_retina
Apple giới thiệu chiếc MacBook hoàn toàn mới của họ vào tối hôm qua thậm chí còn phần nào làm lu mờ đi Apple Watch, nhân vật chính của buổi lễ giới thiệu. MacBook 12″ có nhiều thay đổi mang tính tích cực như nhẹ chưa tới 1kg, mỏng hơn đáng kể, loại bỏ quạt tản nhiệt và màn hình Retina cùng một số đặc điểm chưa hẳn làm hài lòng nhiều người: chỉ có duy nhất một cổng USB-C cho cả sạc và kết nối, RAM bị giới hạn ở 8GB và giá khá cao: từ 1299$. Trong bài viết này thì mình sẽ cố gắng làm rõ một số thông tin mà Apple không nhắc nhiều cũng như một số thông tin chưa rõ ràng trong buổi lễ giới thiệu hôm qua.
Màn hình:

Man_hinh__Macbook_12_retina_002
Thông tin từ Apple cho biết MacBook 12″ sử dụng tấm nền IPS cho góc nhìn rộng hơn, lên tới 178 độ. Tức là nếu bạn coi phim gì nhạy cảm thì cần phải che lại nếu không người bên cạnh sẽ nhìn thấy rất rõ ràng với màu sắc không bị giảm nhiều so với vị trí nhìn trực diện. Thông tin cho biết Apple cố gắng gom nhiều lớp màn hình lại với nhau để làm cho toàn bộ màn hình chỉ còn mỏng 0.88mm, mỏng nhất trong số tất cả các máy tính có màn hình Retina của hãng từ trước đến nay.
Với việc sử dụng độ phân giải 2304×1440, một độ phân giải mới hoàn toàn trên MacBook và một mật độ điểm ảnh khá cao so với máy tính là 226ppi thì Apple phải xử lý vấn đề đèn nền sao cho mỏng hơn mà vẫn cung cấp đủ độ sáng cho các điểm ảnh. Chính vì vậy họ phải tái cấu trúc mỗi điểm ảnh cho nó thoát sáng tốt hơn, giúp đèn nền giảm 30% năng lượng tiêu thụ mà độ sáng không bị suy giảm.
Về vấn đề sử dụng màn hình, có một điều Apple không nhắc đến là tỷ lệ của MacBook 12″ đã quay về với 16:10 chứ không còn 16:9 như Macbook Air 11″. Đây là một thay đổi đáng hoan nghênh vì nó giúp cho chúng ta sử dụng dễ dàng hơn, diện tích sử dụng thực tế tăng lên đáng kể so với máy 11″ và gần đạt đến 13″. Tuy nhiên, với việc dùng độ phân giải 2304×1440 thì khi ở chế độ HiDPI tối ưu hóa nhất cho hiển thị, hình ảnh sắc nét nhất thì độ phân giải mà chúng ta làm việc sẽ rơi vào 1152×720, khá là nhỏ. Để khắc phục thì bạn có thể kích hoạt HiDPI lên 1440×900, 1280×800 hoặc 1024×640 nhưng khi này thì máy tính sẽ phải xử lý rất, rất nhiều và nóng hơn, tốn pin hơn.
Việc xử lý độ phân giải kinh khủng như vậy, kèm theo HiDPI yêu cầu năng lực xử lý rất lớn của card đồ họa, đây là vấn đề mình thật sự lo ngại khi mua MacBook 12″. Ngay cả các máy MacBook Pro lớn như 15″ có card đồ họa rời khi kích hoạt HiDPI đôi khi còn không thật sự mượt mà thì việc đẩy 2304×1440 vào MacBook 12″ dùng Intel Core M là khá mạo hiểm. Chúng ta sẽ phải chờ để biết năng lực xử lý thật sự của máy.
CPU và GPU:
Tiếp tục câu chuyện chip đồ họa ở trên, MacBook 12” sử dụng chip Intel HD 5300, con chip hỗ trợ một màn hình 4K của máy cộng thêm một màn hình bên ngoài nữa. Nghe thì có vẻ mạnh, nhưng HD5300 là con chip trung bình của Intel, nó tập trung vào tiết kiệm pin hơn là năng lực xử lý đồ họa. Một số thử nghiệm sơ bộ cho thấy HD5300 có hiệu năng tương tự HD4200 ngày trước nhưng tiết kiệm năng lượng hơn nhiều.
Trước khi nói tiếp về HD5300, chúng ta hãy chuyển sang CPU. CPU trên MacBook 12” không được Apple định danh rõ ràng ở thời điểm này, nó chỉ được ghi là Intel Core M, cấu hình cơ bản chạy ở xung nhịp 1.1GHz, Turbo Boost lên 2.4Ghz, bản cao hơn là 1.2GHz và Turbo Boost lên 2.6GHz. Ngoài ra, Apple còn cho tùy chọn thêm một phiên bản khác là 1.3GHz Turbo Boost lên 2.9. Và mọi chuyện bắt đầu rắc rối tại đây.
Do Apple không công bố, chúng ta buộc phải lên website của Intel để tìm hiểu, và trong tất cả các cấu hình Core M của Intel bạn không thể nào tìm ra một cặp kết hợp nào như của Apple. Hai con chip gần giống nhất là Core M-5Y51 1.1GHz Turbo Boost 2.6GHz (Apple là 1.1 và 2.4) và Core M-5Y71 1.2GHz Turbo Boost 2.9GHz (Apple là 1.2 và 2.6GHz). Con chip cao nhất của Apple còn quái hơn, nó có xung nhịp 1.3GHz chẳng hề xuất hiện trong một cấu hình Core M nào. Từ những thông tin này có thể thấy Intel đã tiếp tục đưa ra một lô chip xử lý riêng cho Apple hoặc họ giới hạn xung nhịp lại theo yêu cầu của hãng. Thực chất thì việc Intel tùy biến theo yêu cầu của Apple không phải là không có tiền lệ, trước đó hai hãng từng làm hành động tương tự với chiếc MacBook Air cũ. Cần lưu ý là Intel cho phép chỉnh TDP lên 6W để đạt được xung nhịp tối đa 1.3GHz cơ bản đối với 5Y51 và 1.4GHz với 5Y71. TDP cơ bản của 2 con chip này là 4.5W, Apple công bố là 5W, có lẽ đã có sự can thiệp ở đây.

Khung_Macbook_12_reitna
Và vì mù mờ về CPU, chúng ta tiếp tục mù mờ về GPU. Tất cả Intel HD5300 đều có 24 đơn vị xử lý (EU -Execution Unit) nhưng một vài con có xung GPU cơ bản thấp hơn, chỉ 100MHz so với 300MHz của 5Y51 và 5Y71. Đây là những thông số mà chúng ta cần phải chờ để có thông tin chính xác hơn. Được biết một con chip 5Y51 hoặc 5Y71 có giá bán khoảng 281$ cho phiên bản tray, không hộp.
Bo mạch chủ:

Bo-mach-macbook-12-retina
Con chip Intel Core M bên trong MacBook 12” được chế tạo trên tiến trình 14nm, nó tiết kiệm pin hơn đáng kể và là con chip tất cả trong một SoC. Là con chip SoC nên diện tích nhỏ hơn, và Apple thậm chí còn loại bỏ luôn quạt tản nhiệt trên MacBook 12”, thông qua đó bỏ luôn cả lỗ tản nhiệt thường hay nằm dưới đáy máy ở các sản phẩm trước kia, đồng thời loại bỏ luôn rất nhiều diện tích thừa trên bo mạch chủ.

Bo_mach_Macbook_12_retina
Không chỉ có vậy, Apple lại tiếp tục chơi trò hàn chết RAM vào bo mạch chính, SSD thì sử dụng PCIe riêng nhằm giảm thiếu kích cỡ thấp nhất có thể đồng thời nâng cao hiệu năng SSD so với SATA trước kia. Động thái này cùng với RAM chỉ có một mức dung lượng 8GB sẽ góp phần nâng cao hiệu năng hệ thống, giảm bớt những tác nghẽn do CPU/GPU tạo ra. Về cơ bản thì bạn sẽ có RAM và SSD của MacBook Pro, bo mạch chủ chắc chỉ lớn hơn bo mạch của iPad một chút và rất nhiều lớp pin mỏng dính xếp chồng lên nhau. Thật tiếc là điện thoại đã rục rịch chuyển sang DDR4 nhưng máy tính thì vẫn chưa vì Core M chỉ mới dừng lại ở DDR3.
Pin:
Như đã nói, trên MacBook 12” mới thì Apple không còn sử dụng pin khối lớn nữa mà chuyển thành pin dạng xếp lớp. Apple dùng một camera tốc độ cao chụp hình chi tiết lại từng khu vực nhỏ bên trong khung máy, sau đó dùng kính hiển vi xem xét, đo đạc từng chỗ một nhằm nhét được pin nhiều nhất có thể trong quá trình thiết kế. Đó chính là lý do pin của MacBook 12” có dung lượng nhiều hơn khoảng 35% so với các máy tính có cùng kích cỡ, đạt 39.7Wh, thậm chí còn cao hơn cả MacBook Air 11” vốn dày hơn và lớn hơn khá nhiều.

Pin_Macbook_12_reitna_2
Kết hợp pin và Intel Core M, Apple công bố pin của MacBook 12” dùng được 9 tiếng khi lướt web và 10 tiếng khi xem phim mua bằng iTunes.

Screen_Shot_2015-03-10_at_20.06.15

Ben_trong_macbook_12_retina
Theo Apple, một chiếc MacBook 12” khi sử dụng với nhu cầu thông thường sẽ chỉ tốn khoảng 10.1kWh mỗi năm. Nếu tính trên giá điện mới tăng của EVN ở Việt Nam cho hộ gia đình thì nó sẽ rơi vào tầm chưa tới 15 ngàn tiền điện mỗi năm…
USB-C

Cong_USB_C
Apple MacBook 12” chỉ có một cổng duy nhất là USB-C, điều đó thì nhiều người biết nhưng khi nghe thì rất nhiều người không thể hình dung được nó đóng luôn vai trò sạc pin cho máy. Sạc pin ở đây tức là chúng ta sẽ không còn MagSafe nữa và khi sạc pin thì không thể kết nối thêm bất cứ phụ kiện nào. Do vậy, việc phải mua thêm một phụ kiện giá 79$ của Apple có thêm một cổng USB-C để sạc, một cổng HDMI và USB 3 kiểu truyền thống gần như là bắt buộc.
Với việc sử dụng USB-C thì Apple cũng đồng thời trang bị cục sạc mới, cục sạc này theo kiểu sạc iPad, tức cáp có thể tháo rời được. Cáp cắm vào cục sạc là cáp USB-C, cáp cắm vào máy tính để sạc cũng là USB-C, tức rất có khả năng trong tương lai Apple sẽ chuyển sang USB-C toàn bộ, kể cả iPhone. Hiện tại thì sạc MacBook 12” là sạc 29W, sạc iPad là 12W còn sạc MacBook Air là 45W.
Nếu không có nhu cầu vừa sạc vừa xài USB thì các bạn chỉ cần mua một sợi chuyển đổi USB-C sang USB cũ với giá 19$. Hiện tại vẫn chưa có cáp USB-C sang Lightning.
Nhiều khả năng các cáp và đầu chuyển Thunderbolt hiện tại sẽ không tương thích với USB-C mà phải chờ tới Thunderbolt 3.
Bàn phím và bàn di chuột

Ban_Phim_macbook_retina
Thông thường, các bàn phím mà chúng ta hay sử dụng được thiết kế theo kiểu kéo, tức là 2 khung rời sẽ bắt chéo vào nhau. Điều này làm cho bàn phím sẽ bị lắc trừ khi chúng ta bấm thật sự chính xác vào trung tâm của phím. Trên MacBook 12” thì Apple dùng một cơ chế mới gọi là cơ chế “cơ khí kiểu bướm”, thay vì bắt chéo vào nhau thì hai khấc nối sẽ chạm chân vào nhau tạo thành một thành phần duy nhất. Theo Apple thì cơ chế này tiên tiến và phù hợp hơn với các máy có bàn phím nông như MacBook 12”, các bạn có thể xem hình để dễ hình dung hơn.

Blacklight_Keyboard_Macbook_12_retina
Không chỉ thay đổi cơ chế mà bàn phím mới còn được thiết kế lại để mỏng hơn 40% và đặc biệt là diện tích mỗi phím lớn hơn 17% so với trước kia. Diện tích phím lớn sẽ giảm tỷ lệ sai sót và có vẻ như các phím sẽ cong hơn một chút. Ngoài ra, thay vì trang bị dải đèn LED như trước kia thì Apple trang bị đèn LED dưới từng phím một, tiết kiệm diện tích và cho ánh sáng tập trung hơn.

Trackpad_Macbook_12_Force_sensor
Bàn di chuột của Apple luôn được đánh giá rất cao và lần này họ lại đưa ra một nâng cấp lớn hơn nửa: dùng 4 cảm biến Force mới đặt ở 4 góc. Các trackpad thông thường sẽ rất khó để nhận được các thao tác bấm ở các vị trí gần bàn phím. Các cảm biến Force sẽ nhận diện bạn chạm vào đâu trên bề mặt trackpad và “di chuyển nhẹ” trackpad về phía chúng ta để nhận diện chính xác hơn. Ngoài ra, Trackpad mới có cảm biến rung (taptic) rung phản hồi lại khi chúng ta chạm, giống với kiểu điện thoại.

Trackpad_Macbook_12_Force_sensor

2995049_Screen_Shot_2015-03-10_at_20.05.21
Chưa dừng lại ở đó, bàn di chuột này còn có thêm tính năng cảm nhận lực nhấn của người dùng. Bạn có thể thêm các thao tác nhấn mạnh hay nhấn yếu để thực hiện những mệnh lệnh tương ứng. Bàn di này đồng thời nhận được ngón tay nào đang tương tác để thay đổi mức nhận lực tương ứng.
Theo Apple thì lần này, trackpad nhận lực tốt hơn, bạn có thể vẽ dễ dàng hơn mà ít bị đứt nét như các trackpad hiện tại, kể cả của Apple. Có lẽ chúng ta sẽ phải thử tính năng này kỹ hơn.
Apple đã làm bất ngờ rất nhiều người với chiếc MacBook mới với thiết kế rất mỏng, kích thước nhỏ gọn và cùng với đó là màn hình Retina. Thông thường, Apple chỉ thực sự mang những cái mới mẻ, sáng tạo của họ lên với dòng Pro trước, rồi sau đó sẽ áp dụng cho dòng Air. Tuy nhiên lần này, Apple đã quyết định tạo nên bước đột phá với việc tạo ra một dòng notebook mới gọi là “MacBook” (Apple không dùng từ Air) với kiểu dáng hoàn toàn mới.
Khi mới ra mắt, nhiều người trong chúng ta đã lầm tưởng Apple làm mới dòng Air hiện giờ, nhưng thực chất là họ đang tạo ra một hướng mới. Vậy lý do tại sao Apple làm việc này, và liệu MacBook Air sẽ chết trong tương lai?
Số phận của MacBook xưa / nay và MacBook Air hiện giờ

Trước năm 2008, thế hệ máy tính xách tay của Apple chỉ có hai dòng đó là: MacBook và MacBook Pro. MacBook được Apple định giá rẻ hơn vì nhiều yếu tố: chất liệu nhựa (chỉ riêng phiên bản cuối năm 2008 là được làm bằng nhôm nguyên khối), cấu hình thấp hơn. Nhìn chung, MacBook là chiếc notebook thích hợp cho những ai muốn trải nghiệm thử hệ điều hành OS X mà không muốn phải bỏ ra quá nhiều tiền.
Tuy nhiên vào năm 2008, Apple cũng lại tạo nên một điều bất ngờ khác với dòng Air hoàn toàn mới. MacBook Air lúc bấy giờ đã khiến cho cả ngành công nghiệp kinh ngạc với độ mỏng, trọng lượng của một chiếc laptop, và chính Air của Apple đã khai sinh ra một khái niệm mới gọi là “ultrabook”. Có thể nói, MacBook Air là sản phẩm trung gian của Apple, nó ít mạnh mẽ hơn so với MacBook và MacBook Pro, nhưng lại mang kiểu dáng hiện đại, thiết kế cao cấp từ “người anh” dòng Pro.
Đến lúc này, Apple nhận ra rằng dòng MacBook hiện tại đã quá lỗi thời với kiểu dáng, trong khi đó MacBook Air thì như “con gà đẻ trứng vàng” cho Apple ở mảng laptop. Thời lượng pin lâu, trọng lượng nhẹ, kiểu dáng đẹp đã làm lu mờ đi yếu điểm duy nhất đó là: bộ vi xử lý yếu hơn. Cuối cùng, Apple quyết định khai tử dòng MacBook vào năm 2011.
Bước ngoặc lớn tiếp theo đó là khi Apple ra mắt MacBook Pro với màn hình Retina. Việc đưa màn hình độ phân giải siêu cao lên laptop đã làm cho khoảng cách giữa MacBook Pro và MacBook Air ngày càng xa hơn: Air dành cho những ai thích sự tiện lợi, và Pro dành cho những người có nhu cầu cao trong việc xử lý các tác vụ phức tạp.
Thế nhưng Apple hiểu được rằng: Pro vẫn là Pro, vẫn là một chiếc máy nặng và cồng kềnh hơn so với Air – mặc dù hãng đã cố gắng làm mỏng đi đáng kể chiếc Pro 15-inch và 13-inch, còn Air thì màn hình chất lượng kém hơn. Trong khi đó nhu cầu người dùng thì ngày một “tiên tiến hơn”: người ta bắt đầu mong muốn một chiếc notebook nhỏ gọn và tiện lợi như Air, nhưng phải có màn hình Retina xuất sắc như dòng Pro. Apple biết và họ quyết định mở ra một dòng mới, hay có thể gọi là mang trở lại dòng MacBook họ đã từ rũ bỏ trước đây.
MacBook Air giờ đây như dòng MacBook ngày xưa, còn MacBook ngày nay thì lại là một chiếc MacBook Air hoàn toàn mới
Nếu đọc toàn bộ đoạn trên thì các bạn sẽ nhận ra rằng câu đó khá hợp lý:
Từ năm 2008: MacBook -> MacBook Air -> MacBook Pro
Năm 2015: MacBook Air -> MacBook -> MacBook Pro
Lúc này sẽ có nhiều bạn thắc mắc liệu Apple một lúc nào đó sẽ khai tử MacBook Air hiện giờ, và tại sao họ lại tạo riêng ra một dòng MacBook mới? Câu trả lời thực chất cũng đã nằm ở phần trên, MacBook mới vẫn có một cái giá quá mắc so với những ai cần một chiếc notebook chạy OS X chỉ để làm việc nhẹ, hoặc chỉ muốn tìm hiểu thử nền tảng của Apple. Liệu các bạn có chịu bỏ ra từ 1.299$ để mua một chiếc MacBook mới về trải nghiệm cho vui?.
Chưa hết, với những ai dùng laptop Windows thông thường như nhiều bạn sinh viên chẳng hạn, khi họ chuyển qua nhìn MacBook Air họ vẫn sẽ thấy chất lượng màn hình của nó ở mức tốt, không có gì đáng phàn nàn – có chăng thì trước đó họ đã dùng MacBook Pro Retina một thời gian mới cảm thấy khó chịu.
Ngoài ra hoàn cảnh của MacBook Air hiện giờ khác với MacBook cũ. MacBook Air giờ đây vẫn là một chiếc máy đáng giá bởi độ tiện lợi, thiết kế cao cấp cùng với đó là thời lượng pin lâu. Trong khi đó, ngày xưa thì chiếc MacBook cũ ngoài mạnh hơn thì nó thua thiệt hoàn toàn về kiểu dáng, quá cũ – lỗi thời – cồng kềnh. Chính vì vậy việc Apple khai tử MacBook Air là điều khó có khả năng xảy ra.
Tại sao Apple lại tạo ra dòng MacBook mới?
Thoả mãn nhu cầu từ người dùng

Nhỏ gọn, mỏng, pin lâu như Air và có một màn hình xuất sắc của MacBook Pro – Apple đã kết hợp mọi thứ vào chiếc MacBook mới, và đó cũng là những gì mà người dùng MacBook Air hay thậm chí là MacBook Pro hiện giờ đang mong đợi. Với những ai đã quen với màn hình Retina trên MacBook Pro sẽ nhận ra rằng màn hình của Air thực sự cần được nâng cấp, mình và nhiều người cảm thấy thực sự khó chịu khi quay trở lại nhìn màn hình của Air hay MacBook Pro thường.
Thực tế trước đây đã có rất nhiều người mong đợi về một chiếc “Air Retina” nhưng họ nghĩ rằng sẽ thực sự khó để MacBook Air có màn hình Retina bởi như vậy thì thời lượng pin sẽ bị giảm sút đáng kể, không đạt hiệu năng cao như các thệ hệ bây giờ. Tuy nhiên, Apple đã chứng minh điều đó là sai khi với MacBook mới, họ đã đưa ra phương pháp thiết kế lại pin theo kiểu “xếp lớp”.
Và kết quả là chúng ta có một chiếc MacBook mới là sự kết hợp hài hoà giữa Air và Pro.
Kỳ vọng về tương lai “không còn nhiều cổng kết nối”
![[IMG]](https://photo.tinhte.vn/store/2015/03/2994463_tinhte_the_new_MacBook_Retina_12_2015_3.jpg)
Thông điệp khá rõ ràng mà Apple muốn truyền tải qua MacBook mới đó chính là “tương lai notebook không cần đến các cổng kết nối nữa”. Cổng USB-C duy nhất sẽ đóng vai trò là giao tiếp cho mọi kết nối của MacBook 12″: từ sạc pin, trao đổi dữ liệu (USB 3.1 gen 1 và Thunderbolt), kết nối màn hình (Thunderbolt kiêm mini DisplayPort 1.2, HDMI/DVI/VGA).
Và tất nhiên để kết nối với nhiều thiết bị ngoại vi khác thì Apple buộc bạn phải bỏ thêm tiền để mua phụ kiện. Nhiều người cho rằng Apple đang muốn “moi tiền” từ khách hàng, nếu cảm thấy bất tiện và suy nghĩ như vậy thì chúng ta nên cứ vui vẻ với các thế hệ MacBook Pro hay Air hiện tại. Nhưng nếu nghĩ xa hơn các bạn sẽ thấy Apple thực sự đang muốn tạo ra một tương lai “không dây”.
MacBook Pro thể hiện quan điểm dứt khoác của Apple trong việc chuyển sang dùng kết nối không dây
Apple trong nhiều năm qua đã phát triển không ngừng nghỉ tạo ra các phương thức trao đổi dữ liệu, tương tác các thiết bị nội bộ một cách tốt nhất như: AirDrop, Handoff hay Continuity. Tất cả đều hướng đến tương lai không cần phải nối smartphone vào máy tính để lấy dữ liệu, rất rườm rà và mất thời gian.
Thực chất trước đây Apple cũng đã mạnh dạn thực hiện điều tương tự: đó là bỏ cổng Ethernet và ổ đĩa quang trên dòng MacBook Air, sau đó áp dụng luôn cho MacBook Pro. Và đến bây giờ, chúng ta thấy rằng cả hai thật cồng kềnh khi mang lên một chiếc laptop nhỏ gọn. Biết đâu điều tương tự sẽ xảy ra với cổng USB hiện nay?
Lời đáp trả với những chiếc laptop lai
Những laptop lai có khả năng chuyển thành một chiếc tablet nhờ vào màn hình cảm ứng, và có thể gập ngược lại 360 độ. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là tính thực dụng của chiếc tablet đó ở khía cạnh nào? Người ta không thể nào mang một chiếc tablet nặng cả ký, đồng ý là khi bạn làm việc thì sẽ chuyển qua chế độ laptop, nhưng khi chuyển qua tablet thì bạn có vui vẻ nhấc nó lên đọc sách như những tablet thuần hiện giờ – trừ khi bạn muốn tập cơ tay.
Apple biết rằng xu hướng laptop lai là có, nhưng hãng muốn tiếp cận nó với phương pháp khác. Apple không muốn chiếc MacBook mới của mình bẻ gập 360 độ ra sau để thành tablet – cơ bản một phần là vì màn hình của nó không có cảm ứng. Thứ họ muốn là gì? Đó là một chiếc laptop có kích thước nhỏ gọn như tablet, độ nặng chênh lệch với tablet là chấp nhận được (với 900g – chỉ nặng hơn iPad thế hệ đầu một chút, và nặng gấp hai lần iPad Air, nên nhớ là ta đang so laptop với tablet).
Hơn nữa, thay vì tạo ra một chiếc tablet lớn, Apple quyết định cho ra MacBook mới nhỏ gọn nhưng vẫn có phím đầy đủ, chạy OS X, màn hình Retina và vi xử lý Intel Core M – những điều không thể nào mang lên một chiếc tablet. Apple biết rằng người dùng cần một chiếc laptop nhẹ và gọn như tablet, chứ không cần một chiếc tablet siêu to, siêu cồng kềnh trong trường hợp của laptop lai.
Nhìn chung, MacBook mới của Apple ngoài việc thoả mãn sự mong chờ của người dùng, nó còn mang rất nhiều kỳ vọng. Kỳ vọng về một “tương lai không còn nhiều cổng kết nối”, kỳ vọng về các thế hệ notebook siêu nhỏ gọn với chất lượng phần cứng cao cấp. Những sự kỳ vọng đó liệu có quá sớm và quá vội vã hay không, hãy để thời gian và Apple chứng minh!